Lịch sử tăng giảm lãi suất của Fed từ năm 1990 đến năm 2022

Nguyên Thu Trang 02/01/2023
Mở tài khoản HFM tại đây.

Nếu kinh Tế Mỹ đứng thứ 2 thì không ai số một tính tới thời điểm hiện tại! Nên đồng bạc xanh có 1 sức ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ, anh cả ho 1 cái là các em út đều sụt sịt theo. Vì thế, việc FED tăng giảm lãi suất không chỉ là câu chuyện của Hoa Kỳ mà còn tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Trong bài viết trước, tôi đã giải thích rất rõ về cơ cấu cũng như cách thức FED tăng lãi suất. Ở bài viết này, chúng ta cùng nhau nhìn lại lịch sử hơn 1 thập kỷ, để thấy bức tranh toàn cảnh trong việc tăng lãi của FED là như thế nào, các bạn nhé.

Lãi suất FED là gì?

Trước tiên ta tìm hiểu FED (Federal Reserve System) là Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Là tổ chức tài chính duy nhất trên thế giới được phép in USD (Đô la Mỹ). FED có nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ nhằm đảo bảo ổn định và phát triển nền kinh tế Hoa Kỳ.

Lãi suất FED (Federal Funds Rate) là lãi suất quỹ liên bang. Mức lãi suất này là lãi suất trong ngày giữa các ngân hàng thành viên mà FED ban hành. Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc không đủ trước kỳ kiểm tra của FED, những ngân hàng thành viên phải vay nợ với mức lãi suất này. Đây được coi là công cụ kiểm soát nền kinh tế Mỹ của Cục dự trữ Liên bang. Mức lãi suất này là chuẩn mực cho lãi suất thẻ tín dụng, thế chấp và các khoản vay khác tại ngân hàng thành viên.

FED phải tăng giảm lãi suất khi nào?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh lãi suất quỹ Liên bang để ứng phó với những gì đang xảy ra trong nền kinh tế. Họ luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ kép của mình do Quốc hội đặt ra: Giữ giá cả ổn định và tối đa hóa việc làm.

Đây là cách tổ chức này hoạt động: 

  • FED tăng lãi suất: Khi nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng quá nóng hoặc lạm phát quá cao.
  • FED cắt giảm lãi suất: Khi nền kinh tế có vẻ suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao.

Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố dữ liệu khác ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của FED, bao gồm tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chi tiêu của người tiêu dùng và sản xuất công nghiệp,… hoặc các sự kiện lớn như khủng hoảng tài chính, đại dịch toàn cầu hoặc một cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn…

Lịch sử các kỳ tăng giảm lãi suất của FED

Phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng kinh tế để FED quyết định nên tăng giảm lãi suất như thế nào. Chính vì thế, có những năm FED sẽ rất dứt khoát, nhưng có năm FED giữ nguyên không tăng, không giảm. Toàn bộ thống kê dưới đây chủ yếu nhấn vào những thời điểm FED mạnh tay nhất, cũng như lí giải nguyên nhân vì sao FED làm vậy.

  • Lưu ý: Trước năm 1990 FED không đặt ra 1 tỷ lệ lãi suất rõ ràng, ngân hàng tự quyết định. Đó cũng là lí do vì sao chúng tôi chỉ lấy mốc từ 199x trở đi.
  • Trước 2008, FED tăng giảm lãi suất theo các mốc cứng, không phải trong vùng, chênh lệch 25 điểm như các năm gần đây.
  • Các mốc chúng tôi lấy chủ yếu muốn khắc hoạ những thời điểm FED quyết liệt với lãi suất nhất. Vì thế, biểu đồ chỉ tính từ thời điểm FED hành động đến khi kết thúc, không phải toàn bộ năm hoặc toàn bộ giai đoạn.

1990 – 1992: Suy thoái Chiến tranh vùng Vịnh, FED cắt giảm lãi suất

  • Số lần FED giảm lãi: 18 lần
  • Số điểm lãi FED cắt: 25 điểm/lần
  • Nguyên nhân: Suy thoái Chiến tranh vùng Vịnh, từ tháng 7 năm 1990 đến tháng 3 năm 1991; tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 5,2% (6/1990) lên 7,8% vào năm 1992.

1994 – 1996: “Hạ cánh mềm”, FED tăng lãi suất

  • Số lần FED tăng lãi: 7 lần
  • Số lần FED giảm lãi: 4 lần
  • Điểm FED tăng giảm: 25 điểm – 75 điểm
  • Nguyên Nhân: Nền kinh tế Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ vào năm 1993 sau cuộc suy thoái nhẹ năm 1990, GDP đạt con số khổng lồ, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. FOMC lo lắng về áp lực lạm phát nên đã tăng “liền tù tì” 7 lần để lãi suất đạt mức 6%.

Kể từ 7/1995, FED cho rằng mức lạm phát đã giảm, nên bắt đầu giảm lãi suất. Nhưng 6 tháng sau, tỷ lệ thất nghiệp vẫn đứng yên, không thay đổi, doanh số bán lẻ thấp hơn dự kiến, buộc FED phải có nhiều biện pháp kích thích hơn, nên đã quyết định giảm lãi suất thêm 2 lần vào tháng 12/1995 và tháng 1/1996 xuống còn 5.25%.

1997: Kiềm chế lạm phát, FED đạp ga nhẹ, tăng lãi suất

  • Số lần FED tăng lãi: 1 lần
  • Số điểm: 25 điểm
  • Nguyên Nhân: Nền Kinh Tế Hoa Kỳ vô cùng huy hoàng trong 6 năm, tới tháng 6/1997 lạm phát tăng nhẹ ở mức 1,94%. FED luôn muốn đảm bảo lạm phát được giữ ở mức mục tiêu 2%, nên tăng nhẹ lãi suất thêm 0.25% nhằm duy trì lạm phát thấp, đảm bảo an toàn trong việc mở rộng kinh tế.

1998: Khủng hoảng tiền tệ toàn cầu, FED cắt giảm lãi suất

  • Số lần cắt: 3 lần
  • Số điểm FED cắt: 25 điểm/lần
  • Nguyên nhân: khởi điểm là khủng hoảng tiền tệ đến từ Thái Lan (1997), sau đó lan rộng sang phần còn lại của châu Á và châu Mỹ Latinh. Sự kiện này đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Nga vào cuối năm 1998, đã khiến cho một quỹ phòng hộ lớn nhất nhì Hoa Kỳ, Long-Term Capital Management (LTCM), đứng trên bờ vực phá sản.

1999 – 2000: Sự bùng nổ của Dot-Com, FED tăng lãi suất

  • Số lần FED tăng lãi suất: 6 lần
  • Số điểm: 25 điểm
  • Nguyên nhân: Bong bóng Dot com từng trở thành phiên bản mẫu khi nhắc tới các cuộc khủng hoảng theo dạng nhanh – gọn – lẹ. Cũng nhờ Dot-com mà chỉ số Nasdaq tăng phi mã lên tới 400% (3/2000). E ngại bong bóng sớm muộn sẽ vỡ, FED đã can thiệp bằng cách tăng lãi suất từ tháng 6/1999, tổng cộng 1.5%. Sau đó, FED nhận thấy lạm phát đã ổn định, quyết định tạm dừng tăng lãi kể từ 16/5/2000.

2001: Sụp đổ Dot-Com và sự kiện khủng bố 11/9, FED cắt giảm lãi suất

  • Số lần cắt giảm lãi: 11 lần
  • Điểm cắt giảm: 25 điểm/lần
  • Nguyên nhân: Sau khi được bơm phồng quá mức, cuối cùng Bong bóng dot-com đã vỡ (2001). Chỉ số Nasdaq chạm đáy, cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán đã lan sang nền kinh tế thực, khiến GDP giảm nhẹ và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, đẩy nước Mỹ vào một cuộc suy thoái kéo dài 8 tháng. Tiếp theo sau đó, vụ khủng bố tấn công Tòa tháp đôi và Lầu Năm Góc ngày 11/9 gây chấn động thế giới, càng góp phần làm trầm trọng thêm các vấn đề trong nền kinh tế. Vì thế, FED đã tích cực hạ lãi suất tổng cộng 4,25 % từ 6% xuống còn 1,75%.

2002 – 2003: Kinh tế phục hồi chậm, lạm phát thấp, FED cắt giảm lãi suất

  • Số lần cắt giảm: 03 lần (dựa trên số lần FED mạnh tay cắt. Trong các cuộc họp FOMC, nếu FED vẫn giữ nguyên mức lãi suất, hoặc giảm rất nhẹ, chúng tôi không tính là 1 lần FED thay đổi lãi suất).
  • Số điểm cắt giảm: 25 – 50 điểm
  • Nguyên Nhân: Sau khi bong bóng dot-com vỡ, đã khiến chỉ số niềm tin tiêu dùng chạm mức thấp nhất trong 9 năm. FED lo lắng sự phục hồi kinh tế sẽ yếu dần đi. Do đó, FOMC đã quyết định giảm lãi suất 0.5% (11/2002).

Đến giữa năm 2003, lạm phát thấp một cách đáng lo ngại. Lo lắng về nguy cơ giảm phát, FOMC đã cắt giảm lãi suất 0.25%. Mức giảm này đặt lãi suất quỹ liên bang chạm mức thấp nhất trong vòng 45 năm.

2005 – 2006: Thị trường nhà đất bùng nổ, FED tăng lãi suất

  • Số lần FED tăng lãi suất: 12 lần
  • Điểm tăng lãi suất: 25 điểm
  • Nguyên nhân: Sau cuộc suy thoái dot-com, nền kinh tế Hoa Kỳ đã phục hồi nhanh chóng, nhưng lại có một vấn đề khác xuất hiện chính là thị trường nhà đất bùng nổ.

Vì thế, FED cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế và bong bóng bất động sản bằng cách tăng lãi suất 17 lần trong 2 năm, nâng lãi suất mục tiêu lên 5.25%, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,6% và lạm phát gần về mức mục tiêu 2% của FED.

2007 – 2008: Đại suy thoái, Bất động sản toang, FED cắt giảm lãi suất

  • Số lần FED cắt giảm lãi suất: 10 lần
  • Số điểm giảm lãi suất: 25 điểm hoặc 50 điểm
  • Nguyên Nhân: Tháng 9/2007 sau khi bong bóng nhà đất phát nổ, FED đã có thông báo bắt đầu giảm lãi suất kéo dào đến tháng 4/2008 (từ 4.75% xuống còn 2%).

FED cắt giảm như vậy có lẽ chưa “đủ đô” nên thế giới vẫn diễn ra 1 cuộc Đại suy thoái (12/2007- 6/2009), không những vậy việc FED tạm dừng giảm lãi suất (4/2008 – 10/2008) khiến khủng hoảng tài chính toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn.

Để chữa cháy, FED quyết định cắt giảm về 0% nhằm hãm đà lao dốc kinh tế Mỹ (tháng 10-12/2008) và lấy lại lòng tin đối với hệ thống tài chính Mỹ khi đó.

2015 – 2018: Kích cầu kinh tế, FED tăng lãi suất

  • Số lần FED tăng lãi: 9 lần
  • Điểm tăng lãi: 25 điểm/lần
  • Nguyên Nhân: 7 năm sau kinh tế cuối cùng đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, FED cũng bắt tay vào tăng lãi để kích cầu tăng trưởng.

Mở màn chính là lần tăng lãi đầu tiên (12/2015), FED quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 0-0,25% và từ 0,25-0,5%, khiến thị trường lao động tích cực hơn, thu nhập cải thiện, lạm phát nhích dần lên ngưỡng mục tiêu 2%.

Một năm sau, FED lại có đợt tăng lãi suất tiếp (12/2016) từ 0,25% lên 0,5%, vì dữ liệu ảm đạm kinh tế Trung Quốc khiến thị trường chứng khoán hoảng loạn.

Các giai đoạn tiếp theo từ 2017 -2018, FED vẫn tiếp tục tăng lãi cho đến khi lãi suất mục tiêu đạt từ 2.25 – 2.5% mới dừng.

2019: Điều chỉnh giữa chu kỳ, FED cắt giảm lãi suất

  • Số lần FED giảm lãi: 3 lần
  • Số điểm giảm: 25 điểm/lần
  • Nguyên nhân: Sau những đợt tăng lãi liên tiếp năm 2018, FED đã thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất từ 2.25% xuống còn 1.75% trong bối cảnh đối mặt với những “cơn gió ngược” đến từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump với Mỹ.

FED lo ngại rằng điều này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Vì thế, việc cắt giảm lãi suất với kỳ vọng sẽ mang lại tác động tích cực đến nền kinh tế.

2020: Đối phó với Covid-19, FED cắt giảm lãi suất

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn đại dịch Covid-19 đã lan rộng trên toàn cầu, khoảng 20,5 triệu việc làm bị mất chỉ riêng trong tháng 4 năm 2020, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 14,7%. Ngay lập tức, FED đã đưa ra hai đợt cắt giảm lãi suất lớn, đưa phạm vi lãi suất mục tiêu của quỹ liên bang về ngưỡng 0 đến 0,25%, với mục đích hỗ trợ nền kinh tế. Đây là mức giảm nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Thông báo cắt giảm lãi suất của FED đã cho thấy sự lo ngại của Cơ quan này về việc Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế thế giới và có khả năng kích hoạt một thời kỳ suy thoái kinh tế.

2022: Kiểm soát lạm phát, FED tăng lãi suất

  • Số lần FED tăng lãi suất: 7 lần
  • Số điểm tăng lãi: 25, 50 hoặc 75 điểm
  • Nguyên nhân: Tính từ đầu năm 2022, FED đã tăng lãi suất tổng cộng 7 lần, với tổng mức tăng là 3,75%, đưa lãi suất về mức gấp đôi so với trước dịch. Trong đó, 4 lần gần nhất đều nâng với mức 75 điểm cơ bản, tại các phiên họp tháng 6, 7, 9 và 11. Mục đích chính dẫn đến quyết định này, đó là để kiểm soát lạm phát, giảm vay tiền và chi tiêu mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Kết luận

Mong rằng qua bài viết trên bạn đã phần nào hình dung được lịch sử tăng giảm lãi suất của FED qua các năm. Từ đó có nhiều quyết định đúng đắn khi tham gia giao dịch forex. Chúc các bạn giao dịch forex thành công!

Mở tài khoản HFM tại đây.
Bài tiếp theo FED Dot Plot là gì? Vì sao nó quan trọng trong kỳ họp FOMC?
Bài trước
Bài tiếp

Comment của bạn