Bạn đang nhầm lẫn giữa phong cách và chiến lược giao dịch forex?

admin 09/09/2020

Một trong những yếu tố cần thiết để trader theo đuổi sự nghiệp giao dịch forex lâu dài trên thị trường chính là việc định hình phong cách và xây dựng chiến lược giao dịch hiệu quả.

Phong cách giao dịch phụ thuộc rất lớn vào sở thích, bản tính và mục đích của nhà đầu tư trên thị trường forex. Trong khi đó, chiến lược giao dịch là kết quả kéo theo của một phong cách giao dịch bất kỳ.

Tuy nhiên, rất nhiều người chưa hề có khái niệm về định hình phong cách, họ loay hoay đi tìm một chiến lược giao dịch tốt và kết quả là phải liên tục thay đổi nó vì không mang lại hiệu quả. Vì vậy, trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ giúp các bạn phân biệt rõ ràng giữa phong cách và chiến lược, xác định được đâu là phong cách phù hợp với mình. Đồng thời, tổng hợp các chiến lược giao dịch forex hiệu quả nhất.

Phong cách giao dịch là gì?

Phong cách giao dịch là gì?

Nếu trong âm nhạc, người ta thường xếp loại các phong cách thành pop, ballad, rock, R&B… thì đối với giao dịch forex cũng vậy, cũng có những phong cách khác nhau.

Định hình phong cách nghĩa là trader phải xác định được mình thuộc kiểu nào, mình thích giao dịch như thế nào trên thị trường. Chẳng hạn như một trader thích đánh nhanh thắng nhanh, thích nhìn thấy lợi nhuận hoặc thua lỗ ngay lập tức nhưng một trader khác lại thích “ăn chắc mặc bền”, có thể giữ lệnh lâu nhưng phải chắc chắn có lợi nhuận…đó là 2 phong cách khác nhau. Và phong cách giao dịch hoàn toàn phụ thuộc vào cá tính của mỗi người.

Có 4 phong cách giao dịch phổ biến trong forex, được phân loại dựa vào thời gian nắm giữ vị thế trên thị trường.

Scalping trading (giao dịch lướt sóng): những trader theo đuổi phong cách này được gọi là scalper. Đây là phong cách giao dịch của những người ưa thích sự nhanh chóng, thích khi bỏ tiền ra phải nhìn thấy ngay lợi nhuận hoặc thua lỗ, không thích sự chờ đợi quá lâu. Scalping trading chỉ phù hợp với những trader có nhiều thời gian dành cho công việc này vì nó đòi hỏi các bạn phải luôn “dán mắt vào màn hình” để theo dõi thị trường và tìm cơ hội đặt lệnh. Các scalper có thể giao dịch đến hàng trăm lệnh mỗi ngày.

Day trading (giao dịch trong ngày): các trader theo phong cách này cũng muốn chốt lợi nhuận/thua lỗ trong ngày nhưng thời gian giữ lệnh sẽ lâu hơn so với scalper. Nếu bạn thích vừa giao dịch forex vừa thoải mái nhâm nhi tách trà miếng bánh, vừa không phải suy nghĩ đến việc để lệnh qua đêm thì phong cách này sẽ rất thích hợp với bạn.

Swing trading (giao dịch trung hạn): phong cách này đặc biệt phù hợp với những trader không có quá nhiều thời gian cho việc giao dịch vì phải tập trung cho một công việc cố định khác nữa. Họ thường giữ lệnh từ vài ngày đến vài tuần, lâu lâu bật máy tính lên theo dõi thị trường để xem có biến động gì khác thường so với dự đoán không, nếu không thì họ sẽ tiếp tục giữ lệnh và thoải mái làm những việc khác. Bạn có thích giao dịch kiểu này không?

Position trading (giao dịch vị thế): đây chắc chắn là phong cách dành cho những người “ăn chắc mặc bền”, và các trader không đủ sự kiên nhẫn để nhìn thấy lợi nhuận hiển nhiên sẽ không theo đuổi phong cách này. Các position trader thường không quan tâm đến những biến động giá trong ngắn hạn mà cái họ cần là xu hướng chung trong dài hạn. Thời gian giữ lệnh của phong cách này có thể từ vài tuần đến vài tháng nên trader có thể thoải mái hơn, bớt căng thẳng hơn.

Nên chọn phong cách giao dịch nào?

Với 4 phong cách giao dịch mà chúng tôi đã trình bày ở trên, bạn thích theo phong cách nào? Nếu chưa xác định được, hãy trả lời các câu hỏi sau:

  • Kỳ vọng lợi nhuận của bạn là gì?: Bạn tham gia vào thị trường forex với mục tiêu tài chính nào: mua nhà, mua xe hay đơn giản là muốn có thêm những khoản tiền tiêu vặt hằng ngày…? Mỗi mục tiêu sẽ hướng các bạn đến lợi nhuận kỳ vọng khác nhau. Chẳng hạn, các bạn chơi forex với mục tiêu có thêm những khoản tiêu vặt hằng ngày thì kỳ vọng về lợi nhuận của bạn là kiếm được 10$ mỗi ngày, vậy nên scalping trading sẽ là phong cách mà bạn nên hướng đến. Hay với mục tiêu mua xe trong vòng 6 tháng thì các bạn sẽ kỳ vọng lợi nhuận hằng tháng là vài nghìn đô và day trading hoặc swing trading có thể phù hợp với bạn.
  • Thời gian mà bạn có thể dành cho forex là bao nhiêu giờ trong một ngày? Bạn xem forex như một nghề nghiệp đem lại nguồn thu nhập chính của mình thì tất cả 4 phong cách trên đều có thể phù hợp với bạn. Nhưng nếu bạn có công việc chính khác và thời gian dành cho trading không nhiều thì scalping trading và day trading sẽ không phù hợp với bạn.
  • Mức độ chấp nhận rủi ro của bạn như thế nào? Với forex, lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro cao. Và nếu bạn là một người thích an toàn thì chắc chắn forex không dành cho bạn, mà tài khoản tiết kiệm ngân hàng hay trái phiếu sẽ phù hợp với bạn hơn. Bạn sẵn sàng chấp nhận một mức rủi ro cao nhưng bù lại lợi nhuận sẽ hấp dẫn tương ứng thì scalping trading chính là phong cách đem lại điều đó. Ngược lại, bạn bằng lòng một tỷ lệ lợi nhuận thấp với một mức độ rủi ro thấp thì phong cách position trading sẽ phù hợp nhất với bạn.

Chiến lược giao dịch là gì?

Chiến lược giao dịch thực chất chính là một kế hoạch giao dịch. Là việc các bạn phải lên danh sách các công việc cần thực hiện, các công cụ cần sử dụng và thời điểm giao dịch hợp lý để giúp các bạn đạt được lợi nhuận như mong muốn. Và điều quan trọng là phải thiết lập các nguyên tắc để theo đuổi được chiến lược đó lâu dài và mang lại hiệu quả cao.

Chiến lược giao dịch hiệu quả là gì?

Một chiến lược giao dịch hiệu quả phải là một chiến lược phù hợp với phong cách mà trader đã định hướng ngay từ đầu. Nếu không phù hợp với phong cách giao dịch, không đúng với cá tính của mình thì sẽ không có bất kỳ nguyên tắc nào để trader có thể theo đuổi và thực hiện chiến lược đó một cách hiệu quả nhất.

Để thiết lập nên một chiến lược giao dịch hiệu quả, các bạn cần lựa chọn câu trả lời cho một số câu hỏi sau và đừng quên sự lựa chọn đó phải phù hợp với phong cách giao dịch của bạn.

Sản phẩm giao dịch là gì?

Xây dựng một chiến lược forex bắt buộc cần phải xác định được loại tài sản nên giao dịch. Đó có thể là các cặp tiền chính, các cặp tiền chéo, vàng, chỉ số, cổ phiếu… hoặc là một sự kết hợp nhiều sản phẩm với nhau. Nếu bạn là một người đam mê vàng, thích nghiên cứu về vàng là các thông tin thị trường liên quan đến giá vàng thì đây chắc chắn sẽ là sản phẩm giao dịch tốt nhất. Vì làm việc gì mà liên quan đến những thứ mình thích thì thường mang lại hiệu quả cao.

Công cụ phân tích nào được sử dụng cho chiến lược này?

Đây là một phần khá quan trọng khi xây dựng chiến lược giao dịch. Lựa chọn công cụ phân tích không còn là phạm vi thuộc về sở thích nữa mà nó liên quan đến tính hiệu quả của từng công cụ.

Có 2 phương pháp phân tích trong forex: phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản. Mỗi phương pháp sẽ có những công cụ phân tích khác nhau. Việc lựa chọn được một hay một số công cụ phân tích hiệu quả phụ thuộc vào cả một quá trình luyện tập và trải nghiệm của bạn trên thị trường. Với mỗi công cụ được tiếp cận, các bạn nên luyện tập sử dụng chúng nhiều lần trên nhiều loại tài sản khác nhau. Một công cụ phân tích này có thể sẽ hiệu quả với loại tài sản này nhưng lại “vô dụng” với loại tài sản khác hay công cụ phân tích này sẽ cho tín hiệu chính xác hơn ở khung thời gian này nhưng lại cho nhiều tín hiệu nhiễu ở khung thời gian khác… Dần dần, các bạn sẽ có được một danh sách các công cụ phân tích phù hợp với từng chiến lược cụ thể.

Các công cụ được sử dụng trong 2 trường phái phân tích, chúng tôi sẽ trình bày cụ thể hơn ở phần sau của bài viết.

Chọn khung thời gian nào để đặt lệnh?

Mỗi phong cách giao dịch sẽ có những khung thời gian phù hợp. Scalping trader thường giao dịch trên những khung thời gian ngắn như M1 hay M5. Day trader sẽ sử dụng các khung M15, M30 hoặc H1. Swing trader thì giao dịch trên các khung như H4, D1 và Position trader sẽ đặt lệnh trên những khung thời gian dài như D1 hoặc W1.  Như đã nói ở trên, lựa chọn khung thời gian giao dịch còn phụ thuộc vào công cụ phân tích được sử dụng. Ví dụ, bạn theo đuổi phong cách Swing trading, khung thời gian bạn dự định sẽ sử dụng là D1 hoặc W1. Sản phẩm giao dịch của bạn là XAUUSD và sử dụng RSI làm công cụ phân tích cho chiến lược này. Sau quá trình luyện tập sử dụng RSI, bạn nhận thấy chỉ báo này cho tín hiệu giao dịch tốt trên khung D1, vì thế bạn quyết định chọn khung D1 để đặt lệnh.

Khối lượng giao dịch bao nhiêu?

Với mỗi lệnh giao dịch, các bạn cần xác định được lợi nhuận tiềm năng và mức độ rủi ro có thể chấp nhận được, từ đó tính toán ra khối lượng giao dịch sao cho tỷ lệ lợi nhuận:rủi ro ít nhất là 2:1 và lợi nhuận đạt được ít nhất phải đủ bù đắp phần chi phí giao dịch. Thông thường, các công cụ phân tích sẽ giúp trader xác định được 2 yếu tố lợi nhuận và rủi ro cho một lệnh. Nếu không, các bạn cũng có thể lựa chọn khối lượng giao dịch dựa vào nguyên tắc “không quá 2% tổng số dư tài khoản”.

Ngoài ra, việc xác định khối lượng lệnh còn phụ thuộc vào mỗi phong cách giao dịch. Một lệnh day trading sẽ có khối lượng ít hơn nhiều so với một lệnh dài hạn position trading.

Vào lệnh và thoát lệnh khi nào?

Với mỗi công cụ phân tích sẽ cho trader các tín hiệu vào lệnh khác nhau. Đôi khi, chúng ta phải kết hợp các công cụ lại với nhau để tìm điểm vào lệnh tốt nhất.

Mỗi tín hiệu giao dịch sẽ cho trader biết mức lợi nhuận tiềm năng có thể đạt được hoặc rủi ro có thể gặp phải. Dựa vào đó, các bạn sẽ thiết lập các mức stop loss và take profit để các vị thế tự động đóng lại khi lệnh đạt được lợi nhuận kỳ vọng hoặc thua lỗ ở mức độ cho phép.

Tổng hợp chiến lược giao dịch hiệu quả. Hai trường phái phân tích trong forex.

Mỗi chiến lược giao dịch hiệu quả bao gồm 5 yếu tố chính mà chúng tôi đã trình bày ở trên, trong đó công cụ phân tích là yếu tố quan trọng nhất, chi phối gần như tất cả các yếu tố còn lại và được xem là “trái tim” của mỗi chiến lược giao dịch.

Một chiến lược giao dịch tốt và mang về nhiều lợi nhuận tiềm năng khi các bạn lựa chọn được những công cụ phân tích phù hợp và kết hợp chúng với nhau một cách hiệu quả nhất.

Có 2 phương pháp phân tích forex: phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Mỗi phương pháp sẽ có các công cụ phân tích riêng. Mỗi cách lựa chọn và kết hợp các công cụ phân tích sẽ tạo ra mỗi chiến lược giao dịch khác nhau.

Tham khảo thêm:

  • Phân tích cơ bản là gì?
  • Phân tích kỹ thuật là gì?

Chiến lược giao dịch chỉ sử dụng công cụ phân tích cơ bản.

Trường phái phân tích cơ bản cho rằng giá cả trên thị trường sẽ chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau như các chỉ số kinh tế, chính trị, xã hội, sự kiện thiên tai bất ngờ… của các nền kinh tế trên thế giới. Việc nghiên cứu về mức độ và chiều hướng ảnh hưởng của những yếu tố đó lên các loại tài sản trên thị trường sẽ giúp trader dự đoán được hướng đi của giá cả.

Khi một chỉ số kinh tế được công bố, các trader sử dụng chiến lược này sẽ đem so sánh với giá trị của chỉ số đó ở kỳ trước, từ đó nhận định mức độ ảnh hưởng của chỉ số này đến giá cả của các tài sản có liên quan và ra quyết định giao dịch.

Tương tự, với một sự kiện chính trị, xã hội hay thiên tai xảy ra ở một quốc gia bất kỳ, những trader theo chiến lược này sẽ dự đoán chiều hướng biến động của giá cả dưới tác động của những sự kiện đó để tìm cơ hội giao dịch. Nếu mức độ tác động đủ lớn để lệnh của trader đạt lợi nhuận kỳ vọng thì họ sẽ ra quyết định giao dịch, ngược lại, họ sẽ đứng ngoài thị trường và tiếp tục quan sát để tìm cơ hội khác.

Các công cụ phân tích cơ bản thường sử dụng trong forex:

Phương pháp phân tích cơ bản forex có rất nhiều công cụ khác nhau. Các công cụ đó chính là những yếu tố tác động đến giá cả của tài sản. Trong đó, một số yếu tố tác động mạnh mẽ đến giá cả trên thị trường và được rất nhiều trader lựa chọn để thiết lập nên các chiến lược giao dịch hiệu quả, bao gồm:

  • Lãi suất
  • Lạm phát
  • Chỉ số giá tiêu dùng CPI
  • Tổng sản phẩm quốc nội GDP
  • Tỷ lệ thất nghiệp
  • Các cuộc bạo động chính trị, biểu tình
  • Kết quả bầu cử bộ máy nhà nước
  • Phát biểu của những nhân vật có tầm ảnh hưởng
  • Lũ lụt, động đất, dịch bệnh

Chiến lược giao dịch chỉ sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật

Các trader phân tích kỹ thuật thì cho rằng giá cả trên thị trường luôn dịch chuyển theo xu hướng, giá cả phản ánh tất cả mọi yếu tố tác động lên nó và lịch sử về hành vi của giá trong quá khứ sẽ được lặp lại. Chính vì vậy, thay vì đi phân tích các yếu tố tác động đến giá như phân tích cơ bản thì phương pháp này sẽ sử dụng các dữ liệu giá và khối lượng trong quá khứ để dự đoán xu hướng của giá trong tương lai.

Phương pháp phân tích kỹ thuật bao gồm 3 nhóm công cụ chính:

Chỉ báo kỹ thuật: là kết quả của những phép tính dựa trên các dữ liệu giá và khối lượng trong lịch sử. Những kết quả này chính là các con số và chúng được biểu diễn thành một biểu đồ mà khi trader nhìn vào đó có thể dự đoán được hướng đi tiếp theo của giá.

Một số chỉ báo kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong giao dịch forex và mang lại hiệu quả cao như RSI, Bollinger Bands, MA, MACD, Momentum, CCI, Fibonacci

Mô hình nến Nhật: mỗi cây nến sẽ có một hình dáng nhất định và thể hiện được những gì đã diễn ra trong một phiên giao dịch. Sử dụng mô hình nến trong phân tích kỹ thuật nghĩa là trader sẽ quan sát các cây nến tín hiệu xuất hiện trong một xu hướng cụ thể để dự đoán những biến động tiếp theo của thị trường.

Một số mô hình nến cơ bản trong forex như: Hammer, Doji, Pin bar, Inside bar, Engulfing Bullish/Bearish, Morning/Evening Star, Shooting Star… và rất nhiều những mô hình nến khác.

Tham khảo: Các mô hình nến đảo chiều cực mạnh trong forex.

Mô hình giá: khi các cây nến dao động trong một khoảng thời gian nhất định và tạo thành những hình dáng đặc biệt sẽ cung cấp cho trader các tín hiệu giao dịch. Đằng sau những hình dáng đặc biệt đó là câu chuyện về cuộc chiến giữa hai phe mua và bán. Sẽ có cuộc chiến đi đến hồi kết bằng sự thắng lợi tuyệt đối của một bên nhưng cũng có cuộc chiến chưa phân định thắng thua rõ ràng. Dựa vào những kết quả đó, các trader phân tích kỹ thuật sẽ dự đoán được hướng đi tiếp theo của giá.

Một số mô hình giá quan trọng như: Cái nêm, Tam giác, Vai đầu vai, Hai đỉnh, Hai đáy, Lá cờ, Cốc và tay cầm…

Mô hình nến và mô hình giá là 2 công cụ phân tích kỹ thuật mạnh mẽ, được rất nhiều trader ưa thích sử dụng và ưu ái xếp riêng chúng thành một trường phái khác, gọi là phân tích hành động giá Price action.

Tìm hiểu: Price Action là gì? Cách giao dịch hiệu quả với Price action.

Chiến lược giao dịch kết hợp cả 2 công cụ phân tích cơ bản và kỹ thuật

Việc kết hợp cả 2 công cụ phân tích kỹ thuật và cơ bản sẽ mang lại cái nhìn tổng quát hơn về bức tranh toàn cảnh của thị trường. Công cụ kỹ thuật sẽ giúp trader xác định các điểm vào, thoát lệnh hợp lý, trong khi các yếu tố kinh tế, chính trị sẽ cho thấy xu hướng biến động của giá cả trong dài hạn.

Thông thường, các scalper, day trader sẽ sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật là chủ yếu; các position trader thì ưu tiên phân tích cơ bản và các swing trader sẽ ưa chuộng chiến lược kết hợp cả 2.

Mỗi một phương pháp giao dịch sẽ có những ưu, nhược điểm riêng và việc lựa chọn giao dịch theo phương pháp nào là phụ thuộc hoàn toàn vào phong cách và chiến lược giao dịch của mỗi trader.

Khi nào nên thay đổi chiến lược giao dịch?

Rõ ràng, khi xây dựng một chiến lược giao dịch thì điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn là chiến lược đó sẽ mang lại lợi nhuận cao. Nhưng một khi các chiến lược giao dịch không phát huy được tính hiệu quả của nó thì việc thay đổi là điều đương nhiên. Đừng cho rằng mọi hệ thống giao dịch đều hoàn hảo, ở từng thời điểm của thị trường, tính hiệu quả của các chiến lược giao dịch sẽ thay đổi và bắt buộc các trader phải thay đổi theo để kịp thích nghi với mỗi thời điểm đó.

Một số trường hợp cho thấy một chiến lược giao dịch hoạt động không hiệu quả:

  • Số lượng các lệnh thua cao hơn nhiều so với các lệnh thắng.
  • Lợi nhuận thu được không đủ để bù đắp chi phí giao dịch.
  • Một chiến lược không tạo được sự tự tin cần thiết. Sau mỗi lần giao dịch là tâm lý lo lắng lại đè nặng, không tự tin vào những tín hiệu mà chiến lược mang lại, chứng tỏ chiến lược mà các bạn xây dựng không thật sự hiệu quả.
  • Không tối đa hóa được lợi nhuận trong dài hạn.

Để thay đổi một chiến lược giao dịch, các bạn có thể thay đổi một, một số hoặc tất cả các yếu tố cấu thành nên chiến lược đó. Điều quan trọng không phải là thay đổi bao nhiêu yếu tố mà với mỗi quyết định thay đổi chiến lược giao dịch, các bạn cần xác định yếu tố nào được sử dụng không hiệu quả, không phù hợp trong chiến lược đó. Từ đó, lên phương án lựa chọn yếu tố khác để thay thế.

Trong trường hợp các bạn phải liên tục thay đổi chiến lược giao dịch vì không hiệu quả thì hãy xem xét lại cách tiếp cận từng yếu tố, công cụ mà các bạn sử dụng đã chính xác hay chưa? Kiến thức mà các bạn học được, nghiên cứu được có đúng hay không, các công cụ phân tích có phù hợp với loại tài sản mà các bạn đang giao dịch hay không? Các bạn đã kỹ lưỡng và cẩn trọng trong quá trình xây dựng chiến lược hay chưa? Và đặc biệt là chiến lược mà bạn đang xây dựng có thật sự phù hợp với phong cách mà bạn đang theo đuổi?

Có nhiều người phải mất rất nhiều thời gian để định hình được phong cách giao dịch và cũng có rất nhiều người không biết mình thích gì, muốn gì để mà lựa chọn được phong cách giao dịch phù hợp.  Việc xây dựng chiến lược giao dịch hiệu quả, phù hợp với phong cách, cá tính của trader là vô cùng quan trọng, nó quyết định đến sự thành công hay thất bại của bạn trên thị trường này. Với những trader vẫn còn đang loay hoay đi tìm phong cách giao dịch và một chiến lược giao dịch hiệu quả thì qua bài viết này, hy vọng các bạn sẽ tìm được con đường đúng đắn và phù hợp nhất với mình.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Bài trước
Bài tiếp

Comment của bạn